Thứ Hai, 11 tháng 5, 2009

Tớ đi Big C cùng mẹ

Tớ được tưới rau ở quê đấy! thích lắm


Duy Anh biểu diễn Văn nghệ ở Trường

Bạn gái của tớ đấy - Xinh không?

Nỗi buồn không chỉ riêng ai

Xin chào tất cả quý vị khách quý trong hội trường ngày hôm nay.
Câu chuyện tôi sắp kể cho quý vị nghe tới đây nói về một cậu bé có tên là: Duy Anh, ở nhà mẹ thường gọi Duy Anh là Tony Bùi với hy vọng sau này cậu bé sẽ sang Havart- một trường đại học nổi tiếng thế giới - du học ngành Luật.
Duy Anh được sinh ra ở Tuyên Quang- một tỉnh miền núi cách HN 165 Km nơi mẹ cháu dạy học ở trường cấp II -Huyện Sơn Dương- Tuyên Quang.
Mẹ Duy Anh kể rằng ngày mang bầu cháu, chị gặp một số chấn động tâm lý nên rất lo cho đứa con trong bụng,khi sinh con ra nhìn thấy con lành lặn chị đã rất mừng.
Duy Anh lớn lên trong tình thương yêu của mẹ và các cô chú trong tập thể của trường-nơi mẹ DA dạy học-cậu bé kháu khỉnh bụ bẫm, đặc biệt rất ngoan chỉ có điều rất hay ốm, có khi một tháng đi viện 2 lần mà bệnh viện cách trường 60 km (Bố Duy Anh công tác xa, cách nơi ở của 2 mẹ con 200km) nên chỉ có mẹ tất bật lo lắng cho Duy Anh.
6 tháng bé DA mới biết lẫy
10 tháng mới biết bò
19 tháng mới biết đi
Rồi mãi cũng chẳng thấy Duy Anh nói, mọi người trong trường nói chắc tai cháu có vấn đề, làm mẹ cháu lo lắng. Nhân dịp nghỉ hè chị đưa con về HN khám.

Nhìn cuốn sổ y bạ ghi chẩn đoán câm điếc -> chuyển khám chuyên khoa câm điếc, mẹ Duy Anh bang hoàng, đau đớn, nước mắt chị trào ra. Chị nghĩ : Không thể thế được, con trai chị đáng yêu thế , có lẽ con chỉ chậm nói thôi!

3 ngày ở viện Tai-Mũi Họng để đo thính lực cho con là 3 ngày nặng nề nhất trong cuộc đời vợ chồng chị. cuối cùng Bà Bs Trưởng khoa cung gọi chị vào và kết luận con chị bị điếc bẩm sinh. Trời đất như sụp đổ dưới chân, chị lê những bước chân khó nhọc ra khỏi phòng nhìn thấy 2 bố con với ánh mắt hy vọng chị bật khóc nức nở “ khổ thân con tôi quá! Con ơi vậy là bao ngày tháng qua đêm nào mẹ cũng hát ru con ngủ mà con đâu có nghe thấy gì”
Ba tháng hè buồn bã vì bệnh của con cũng là 3 tháng vợ chồng chị chạy ngược xuôi tìm cách chữa bệnh cho con. Đã có lần bố Duy Anh đã chạy xe lao vào ôtô với ý nghĩ rằng nếu mình chết sẽ có một khoản tiền để cho con vào tp HCM gắn chip điện tử may ra con có thể nói được. cũng may bố DA ko chết.
Cuối cùng để có tiền mua máy trợ thính cho con, 2 vợ chồng đã thế chấp lương cho ngân hàng. Rồi gia đình Duy Anh lại chia tay nhau. Bố lên Hà Giang làm việc, còn Duy Anh và mẹ quay trở lại trường tiếp tục dạy học và nỗ lực tìm tài liệu để dạy Duy Anh nói.

Thấm thoát đã một năm trôi qua, lúc này bé DA đã được 3 tuổi mà vẫn chưa nói được, mẹ DA buồn lắm, chị nghĩ đến ngôi trường dạy trẻ khiếm thính Xã Đàn- Hà Nội. Nhưng làm thế nào để cho con về đó học trong khi 2 vợ chồng chị công tác ở tỉnh lẻ, mà ở nơi chị dạy học đến một lớp mẫu giáo cơ bản dành cho trẻ bình thường còn quá ít huống chi một trường giáo dục đặc biệt. Chị suy nghĩ trăn trở bao đêm…và quyết định nghỉ dạy học, bỏ trường, bỏ lớp, bỏ học sinh than yêu, rời xa những đồng nghiệp gắn bó vui buồn với chị suốt 10 năm qua.
Ngày 05/9/2007 là ngày khai giảng đầu tiên mẹ Duy Anh không được mặc áo dài, ôm hoa, dắt tay học sinh vào lớp mà chị đang cùng con ở viện để tái khám.
Bác sỹ sau khi làm xong mọi thủ tục lại gọi chị vào, Bà bắt đầu câu chuyện bằng hàng loạt câu hỏi:
- Con chị đeo máy trợ thính 1 năm rồi vẫn chưa nói được?
- Cháu không giao tiếp mắt, gọi không quay lại?
- Cháu hay vẫy tay, đi nhón chân?
- ……………………………..
Hàng loạt câu hỏi của Bác sỹ làm mẹ DA choáng váng bởi những câu trả lời của chị càng khẳng định rằng: Bé Duy Anh - cậu con trai bé bỏng của chị đang mắc phải căn bệnh mà qua báo, đài chị biết nó còn trầm trọng hơn trẻ câm điếc, đó là “Hội chứng tự kỷ” sự nghiệt ngã lần này còn khủng khiếp hơn lần trước. Chị gào lên trong đau đớn: Bác sỹ ơi cháu có làm điều gì ác đâu? Cháu luôn giúp các em học sinh nghèo, giúp người hoạn nạn. Sao ông trời bắt con cháu mang bệnh vậy. Hãy cứu con cháu với!
Bà bác sỹ nhìn chị cảm thông chia sẻ: Hiện nay chưa có thuốc chữa được bệnh này, nhưng nếu chị cho con vào trường GD đặc biệt và dành nhiều thời gian cho con, bệnh của cháu sẽ tiến triển khả quan hơn.
Ôm con lặng lẽ ra về, nhìn con khôi ngô, bụ bẫm mà ánh mắt ngây dại, khóc khóc. cười cười vô cớ, 2 vợ chồng chị nhìn nhau nước mắt rơi nghĩ đến cảnh con mình sẽ ở trong một trại tâm thần nào đó khi vợ chồng chị không còn trên cõi đời: “Con ơi mẹ biết làm gì bây giờ? Việc làm giờ mẹ không còn, tiền mẹ không có, làm sao mẹ nuôi dạy con giữa thành phố phồn hoa xa lạ này..”
Thời gian cứ trôi, khóc mãi, buồn mãi chị lo sợ gia đình tan vỡ khi chồng chị đã có hai con gái và bé Duy Anh là cháu đích tôn. Chồng chị buồn nên say sưa sớm tối, chị rơi vào trạng thái trầm cảm một thời gian. Cuối cùng, lòng thương con của người mẹ đã giúp chị đứng dậy, phải làm tất cả để cứu con. Chị bàn với chồng xin cơ quan cho về Hà Nội học cao học để có thời gian gần con. Vay tiền an hem, bạn bè mua một căn hộ chung cư nhỏ để có chỗ ở bởi chị nghĩ không thể thuê nhà cả đời để cho con học được và tìm trường cho con chị đã chọn Trung tâm Sao Mai - Một tổ chức phi chính phủ chuyên về chăm sóc, can thiệp sớm trẻ KTTT nói chung và tự kỷ nói riêng.
Hàng ngày đưa con đến lớp chị quay ra với đủ nghề mưu sinh từ giúp việc cho đến gia sư, công việc vất vả hơn nhiều so với nghề giáo viên của chị mà đồng lương chẳng đáng là bao so với mức tiêu ở thành phố.
Canh cánh bên lòng chị còn nhiều nỗi lo, sau này khi lớn (16 tuổi) con chị sẽ học ở đâu? Ai sẽ là người lo cho Duy Anh khi vợ chồng chị khuất núi? Bởi hiện nay chưa có những TT nuôi dạy trẻ KTTT lớn như làng trẻ mồ côi SOS, Hoà Bình…
Đêm đêm trong những giấc ngủ mệt mỏi sau 1 ngày làm việc vất vả chị vẫn mơ mỗi sớm mai thức dậy con trai thương yêu của chị gọi 2 tiếng MẸ ƠI, chị mơ có một việc làm ổn định để nuôi con…
Chị cứ mơ mãi cho đến một ngày TT Sao Mai tổ chức tập huấn cho phụ huynh cách chăm sóc dạy dỗ trẻ KTTT, chị đã tham gia thảo luận và chia sẻ với mọi người về hoàn cảnh của mình. Thông cảm với hoàn cảnh của chị và biết chị đã từng là cô giáo, Bà GĐ TT đã tuyển chị vào làm giáo viên dạy lớp Tiền văn hoá. Vì muốn chị chia sẻ kinh nghiệm vượt khó khăn của mình để tìm đường dẫn đến tương lai cho Duy Anh, Bà GĐ lại vận động chị tham gia Ban chấp hành Hội cha mẹ trẻ KTTT để cùng nhau chia sẻ, giúp đỡ nhau, mở rộng hoạt động của Hội cùng đến cộng đồng, chia sẻ với những người mẹ cùng có nỗi đau như chị. Và hiện nay, chị thường trực tại văn phòng Hội cha mẹ, hàng ngày được nhìn thấy từng bước tiến bộ của bé Duuy Anh trong sự dạy bảo yêu thương của các cô giáo, chị thấy nỗi buồn vơi dần đi.
Cách đây 3 ngày chị được cô giáo Tuyết Vân GV trị liệu ngôn ngữ cho Duy Anh thong báo: DA chưa nói được nhưng đã ghép chữ khi cháu muốn: CON MUỐN UỐNG SỮA, CON MUỐN CHƠI ĐẤT NẶN… Chị mừng rơi nước mắt.
Giờ đây khi lắng lòng chị thấy mình còn may mắn hơn những gia đình khác khi chồng chị vẫn yêu thương vợ - đặc biệt là cậu con trai nhỏ Duy Anh - Anh luôn nỗ lực kiếm sống nuôi cả gia đình để tạo điều kiện cho chị làm công tác xã hội.
Kính thưc quý vị, câu chuyện về cậu bé Duy Anh vẫn còn tiếp tục ở thì tương lai và hẹn một lần nào đó gặp lại quý vị tôi xin kể tiếp, và tôi cũng xin lỗi là chưa giới thiệu về mình:
Tôi tên là Nguyễn Lệ Thuỷ, hiện tôi đang làm việc tại văn phòng Hội cha mẹ TT Sao Mai, Và…Tôi là mẹ của bé Duy Anh.

Mừng sinh nhật con

Hôm nay con đã đón ngọn nến thứ 4 của tuổi mình -4 ngọn nến cho Tony Bùi của mẹ. Lấy gì để đo lòng mẹ trong suốt 4 năm từ khi con chào đời? Những vui, những buồn, những lo âu, những đợi chờ và những hy vọng nhỏ?4 năm qua, con đã lớn chừng nào, cả nhà ta đã trải qua những gì, mẹ nhớ hết. Mẹ sẽ không kể ra đây tất cả, vì quan trọng nó nằm trong tim mẹ, trong tâm trí mẹ hàng ngày, và bất cứ khi nào con nói được, con hỏi mẹ, mẹ sẽ kể con nghe lần lượt nhé.
Mọi sự phát triển của con đều không bình thường như bao bạn nhỏ khác trên thế gian này, mẹ đã biết không nên so sánh con với các bạn, bởi mẹ tin con lớn lên theo cách của con, theo cách mà con đã chọn, hơn hết mẹ hạnh phúc bởi mọi điều xung quanh con đều bình thường, không khác biệt. Và mẹ sẽ chờ, chờ cùng con đón những ngọn nến tiếp theo mà cuộc đời dành cho con, như mẹ đang chờ câu nói đầu tiên của con trong ngôi nhà của chúng ta.
Từ đây con chập chững bước đi trên con đường của con, theo tháng ngày, những con đường đó sẽ luôn có bố mẹ cùng con.
Mẹ không chúc con đường ấy bằng phẳng, đầy hoa, mà mẹ mong con đường con đi sẽ có chỗ gập ghềnh - Để con luôn biết hy vọng, biết ước mơ và biết phấn đấu vượt qua trở ngại.
Mẹ không chúc con lúc nào cũng gặp may mắn, mà mẹ chúc con có những người bạn tri kỷ, cùng chí hướng, biết tự định đoạt cuộc sống của mình.
Mẹ cũng không chúc trên gương mặt con sẽ chỉ có nụ cười, mà mẹ muốn con có những phút thấy lòng không bình yên, những lúc nước mắt và sự tiếc nuối trực trào nơi khóe mắt – Để con biết giá trị của hạnh phúc, của những nỗ lực không ngừng bảo vệ nó.
Và mẹ không chúc con sẽ trở thành người thành đạt, bởi mẹ tin rằng, mạnh liệt tin tưởng rằng con nhất định là niềm tự hào của bố mẹ, là niềm tự hào ngay từ lần đầu tiên bố mẹ thấy khuôn mặt con, sau này và sẽ luôn là như vậy.
Cuối cùng mẹ chúc con luôn gần bên bố mẹ không rời nhưng mẹ vẫn muốn chúc con có 1 gia đình riêng hạnh phúc, nơi những trái tim, dù đang rất gần nhau nhưng ko bao giờ thôi hướng về nhau, như bố mẹ ngày càng gắn bó bởi vì con.
Ngày hôm nay- Ngày con đón 4 ngọn nến đầu tiên thôi, và tưởng như những điều mẹ viết dành cho con là quá sớm, nhưng mẹ luôn muốn nói, muốn nghĩ, muốn ấp ủ từng ngày. Sẽ không ai cười mẹ đâu, bởi người mẹ nào cũng thế phải không con?!
Con đang lớn lên trong vòng tay bố me, từ những bước chân ngượng ngiụ đầu tiên, và ngày mai cuộc sống sẽ nuôi dưỡng tinh thần và nghĩ lực của con, rèn luyện bước chân con vững vàng.
Rồi con sẽ không còn là chàng trai nhỏ của bố mẹ nữa, mà là người đàn ông ngốc ngếch của bố mẹ giữa cuộc đời. Bố mẹ luôn cùng bước trên con đường của con, bất cứ khi nào con mỏi mệt, muộn phiền, con cần 1 nơi bình yên, con lại “ chập chững “ về đây con nhé, về với vòng tay và trái tim của mẹ, để lại được vỗ về, như ngày hôm nay, ngày con còn thơ bé.
Chúc mừng sinh nhật Duy Anh bé nhỏ của mẹ!